bannerHome
Kết quả thẩm định dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức chi hỗ trợ thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh
Lượt xem: 145

Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương tình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới. Theo đó, nhằm cụ thể hóa, tạo cơ sở pháp lý triển khai các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ trong phát triển du lịch nông thôn nói riêng và trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 nói chung trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức chi hỗ trợ thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tư pháp đã thẩm định dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức chi hỗ trợ thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tại Báo cáo số 144/BC-STP ngày 06/7/2023.

Để dự thảo Nghị quyết đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tế của địa phương, Sở Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung hoặc giải trình các vấn đề sau:

1. Về phạm vi điều chỉnh

Phạm vi điều chỉnh được xác định tại Điều 1 chưa thể hiện đúng các nội dung quy định cụ thể trong dự thảo (phạm vi điều chỉnh rộng hơn các nội dung quy định cụ thể).

2. Về đối tượng áp dụng

Nội dung tại khoản 1 Điều 2 dự thảo dẫn đến 02 cách hiểu khác nhau. Vì vậy, Sở Tư pháp đã đề nghị cơ quan soạn thảo thuyết minh rõ về nghĩa, lý do quy định bổ sung đối tượng áp dụng so với các quy định tại khoản 1 Điều 20 Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 và điểm b khoản 3 Điều 1 Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng chính phủ.

3. Về điều kiện áp dụng

- Đề nghị tách điều kiện áp dụng thành một điều riêng, không quy định chung trong Điều 2 dự thảo.

- Tại điểm a khoản 2 Điều 2: Nội dung “hỗ trợ đúng đối tượng, mức chi được quy định tại Nghị quyết này” mang tính chất nguyên tắc, không phải là điều kiện. Ngoài ra, Sở Tư pháp nhận thấy điều kiện “chủ thể hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ… có đăng ký ngành nghề kinh doanh, phát triển sản phẩm nông sản địa phương” có phạm vi hẹp và chưa thể hiện rõ, đầy đủ các lĩnh vực phát triển du lịch nông thôn. Vì vậy, Sở Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, chỉnh lý bố cục và nội dung quy định về điều kiện tại điểm a khoản 2 Điều 2 cho chặt chẽ, phù hợp vì đây là nội quy định rất quan trọng, làm cơ sở để xác định đối tượng áp dụng Nghị quyết trên thực tế.

- Giải trình rõ hơn cơ sở để quy định tổng mức chi hỗ trợ tối đa tại điểm b khoản 2 Điều 2 dự thảo (Mức chi hỗ trợ tất cả các nội dung phát triển du lịch nông thôn theo Nghị quyết này tối đa không quá 10 tỷ đồng/Kế hoạch, dự án/Mô hình). Đồng thời, rà soát, bảo đảm tính hợp lý giữa tổng mức hỗ trợ tối đa như trên với các mức hỗ trợ tối đa cho từng nội dung chi tại Điều 3 và Điều 4 dự thảo.

4. Về nội dung và mức chi hỗ trợ tại Điều 3 và Điều 4 dự thảo

- Đề nghị cơ quan soạn thảo bố cục lại quy định các mức chi bảo đảm tương ứng và thống nhất với các nội dung nhiệm vụ theo điểm a, điểm b và điểm đ khoản 4 Điều 1 Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Đối với chi hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn gồm Nhóm Dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch theo Quyết định 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ (tại khoản 2 Điều 3 dự thảo): Sở Tư pháp nhận thấy nội dung chi này thuộc nội dung chi phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền được quy định tại điểm b khoản 4 Điều 1 Quyết định số 922/QĐ-TTg. Tuy nhiên, dự thảo chỉ giới hạn áp dụng trong phạm vi “Nhóm Dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch (Theo Quyết định 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ). Đồng thời quy định mức hỗ trợ cho các nội dung cụ thể được vận dụng theo Điều 13 Thông tư số 53/2022/TT-BTC là chưa bảo đảm về cơ sở pháp lý và có sự chồng chéo với quy định của Trung ương.

- Tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 dự thảo quy định mức hỗ trợ tối đa không quá 300 triệu đồng/Dự án/Kế hoạch/Mô hình cho chi phí tư vấn và tại khoản 3 Điều 3 quy định mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng cho mỗi Công trình/dự án/Kế hoạch/Mô hình nhưng chưa thuyết minh cụ thể cơ sở pháp lý xác định mức hỗ trợ nêu trên. Mặt khác, việc chỉ quy định mức hỗ trợ tối đa như trên là chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao theo điểm a khoản 2 Điều 20 Thông tư số 53/2022/TT-BTC.

- Đối với mức chi hỗ trợ xây dựng và triển khai mô hình thí điểm phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững (Điều 4 dự thảo):

Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 20 Thông tư số 53/2022/TT-BTC, mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư này. Theo đó, Mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương tối đa không quá 70% kinh phí thực hiện mô hình được phê duyệt đối với các huyện miền núi, không quá 50% kinh phí thực hiện mô hình được phê duyệt đối với các huyện còn lại trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao. Căn cứ quy định tại Thông tư này, điều kiện thực tế tại địa phương và khả năng ngân sách, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định cụ thể mức hỗ trợ.

Dự thảo quy định tổng mức chi hỗ trợ xây dựng và triển khai mô hình thí điểm phát triển du lịch nông thôn hỗ trợ tối đa không quá 10 tỷ đồng/Công trình/Dự án/Kế hoạch/Mô hình bao gồm vốn sự nghiệp và vốn đầu tư Ngân sách nhà nước nhưng chưa thuyết minh cơ sở pháp lý để xác định mức chi trên. Mặt khác, việc xác định mức hỗ trợ như trên cũng chưa thực hiện đầy đủ nội dung được giao quy định cụ thể theo điểm d khoản 2 Điều 20 và Điều 9 Thông tư số 53/2022/TT-BTC.

Ngoài ra, Sở Tư pháp đã góp ý thêm một số sai sót về ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện dự thảo trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

Nguyện Đắc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập