UBND tỉnh họp thông qua dự thảo Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
(binhthuan.gov.vn) Chiều 25/10, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng chủ trì họp UBND tỉnh thông qua dự thảo Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Phan Thiết. Tham dự cuộc họp Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan và UBND thành phố Phan Thiết. Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến điểm cầu UBND các huyện Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, thị xã La Gi.
Bình Thuận có diện tích tự nhiên là 7.942,60 km2. Quy mô dân số tính đến ngày 21/12/2022 là hơn 1,4 triệu người. Toàn tỉnh hiện có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 01 thành phố (Phan Thiết), 01 thị xã (La Gi) và 08 huyện (Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh và Phú Quý). 124 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 93 xã, 19 phường và 12 thị trấn.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ đã báo cáo dự thảo Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, trong giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Bình Thuận thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Phan Thiết không đảm bảo tiêu chuẩn, gồm 08 đơn vị (xã Phong Nẫm, xã Tiến Lợi, phường Đức Thắng, phường Đức Nghĩa, phường Lạc Đạo, phường Bình Hưng, phường Hưng Long, phường Thanh Hải). Cụ thể, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số phường Lạc Đạo, phường Đức Thắng và phường Đức Nghĩa thành một đơn vị hành chính phường mới; nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của phường Bình Hưng và phường Hưng Long thành một đơn vị hành chính phường mới. Điều chỉnh nhập một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Hàm Liêm, xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc vào xã Phong Nẫm. Điều chỉnh nhập một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc và phường Phú Hài vào phường Thanh Hải. Giai đoạn 2026 - 2030 thực hiện sắp xếp 04 đơn vị, gồm xã Bình Thạnh (huyện Tuy Phong), phường Phú Trinh (thành phố Phan Thiết), phường Phước Lộc (thị xã La Gi), thị trấn Tân Minh (huyện Hàm Tân).
Đối với điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Phan Thiết, sẽ thực hiện điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Hàm Thuận Bắc (có diện tích tự nhiên là 93,84 km2; quy mô dân số là 74.786 người) và một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số huyện Hàm Thuận Nam (có diện tích tự nhiên là 32,28 km2; quy mô dân số là 18.198 người) vào thành phố Phan Thiết. Kết quả sau sắp xếp, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính thì thành phố Phan Thiết có diện tích tự nhiên 305,01 km2, đạt 203,34% tiêu chuẩn, quy mô dân số 334.476 người, đạt 222,98% tiêu chuẩn, dự kiến có 18 đơn vị hành chính (11 phường, 07 xã).
Các đại biểu dự họp cơ bản thống nhất với dự thảo Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Các đại biểu cũng cho rằng việc xây dựng Phương án tổng thể thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cần đảm bảo phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị; phù hợp với Chương trình phát triển đô thị của địa phương…
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng nhấn mạnh, chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao phương án đã bám sát nguyên tắc, tiêu chuẩn sắp xếp theo chỉ đạo của Trung ương; đã có thống kê, đánh giá hiện trạng các đơn vị hành chính, nhất là tại các địa phương dự kiến sắp xếp.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nội vụ khẩn trương chủ trì, phối hợp với các địa phương nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện dự thảo phương án trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến để gửi Bộ Nội vụ theo đúng thời gian quy định. Sau khi phương án được phê duyệt, các sở, ban, ngành, địa phương liên quan xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thống nhất, quá trình triển khai phải xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng. Sau sắp xếp đơn vị hành chính phải đảm bảo tinh gọn được bộ máy tổ chức, tiết kiệm kinh phí, quan trọng nhất là phải đảm bảo mục tiêu giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng để phục vụ người dân và doanh nghiệp thuận lợi hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân hiểu rõ chủ trương, mục đích ý nghĩa của việc sáp nhập, lắng nghe ý kiến góp ý của Nhân dân, từ đó tạo sự thống nhất cao của cả hệ thống chính trị. Song song đó, cần chủ động trong việc bố trí bộ máy, tính toán chế độ chính sách đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, tính toán tên gọi đơn vị hành chính cấp xã sau khi sáp nhập cho phù hợp…
TT Dân