Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế
(binhthuan.gov.vn) Sáng ngày 02/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế”, chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Phiên họp được kết nối trực tuyến từ Trụ sở Chính phủ tới các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trần Hồng Hà; Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trần Lưu Quang; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, thành viên Ban Chỉ đạo. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận có Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng, đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị (Khóa XI) đã ban hành Nghị quyết 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế. Đây là văn bản có ý nghĩa định hướng chiến lược, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta; thống nhất nhận thức và hành động trong giai đoạn nước ta bắt đầu chuyển mạnh từ “hội nhập kinh tế quốc tế” sang “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” toàn diện, sâu rộng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, quốc phòng, an ninh đến văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo…
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng, cùng các đại biểu tham dự tại điểm cầu Bình Thuận
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị, với việc tích cực, chủ động triển khai công tác đối ngoại song phương, đa phương sâu rộng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, hoạt động hội nhập quốc tế của Việt Nam đã đạt được kết quả quan trọng, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với 17 quốc gia, trong đó quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 4 nước, duy trì quan hệ đối tác toàn diện với 13 quốc gia. Đối với lĩnh vực quốc phòng - an ninh, Việt Nam ngày càng tham gia có trách nhiệm với hoạt động gìn giữ hòa bình trên thế giới, đã cử 512 quân nhân tham gia ở 3 phái bộ và trụ sở Liên hợp quốc, tích cực tham gia cứu hộ, cứu nạn thiên tai, đặc biệt hoạt động ngoại giao vaccine đã góp phần quan trọng cho công tác phòng chống dịch Covid-19.
Tại phiên họp, lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã thông báo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án và Quyết định của Ban Chỉ đạo về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Các thành viên của Ban chỉ đạo và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, địa phương cũng đã đánh giá thẳng thắn; thực chất về các kết quả lớn, các tồn tại, hạn chế và các bài học kinh nghiệm rút ra trong triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị 10 năm qua, trong đó đi sâu làm rõ hơn những tồn tại, vướng mắc và các bài học kinh nghiệm, tham mưu đề xuất cụ thể cho giai đoạn hội nhập trong thời gian tới.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thực tiễn triển khai Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị trong 10 năm qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, cho thấy đây là một định hướng chiến lược hết sức đúng đắn và kịp thời của Đảng và Nhà nước ta, góp phần đưa đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng đã chỉ rõ những tồn tại hạn chế và rút ra những bài học kinh nghiệm, trong đó nêu rõ phải coi hội nhập quốc tế thực sự là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị; phải nỗ lực tạo các điều kiện thuận lợi hơn nữa cả về cơ chế, chính sách và nguồn lực để phát huy vai trò trung tâm của người dân và doanh nghiệp.
Định hướng để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện Đề án, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành văn bản chỉ đạo với hình thức phù hợp về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, Thủ tướng đề nghị cần vận dụng sáng tạo 3 trụ cột trong xây dựng và bảo vệ đất nước là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện, cụ thể hóa đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thực hiện chính sách quốc phòng “4 không” (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế); đưa hội nhập thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ giữ vững môi trường hòa bình ổn định, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững…
TT Dân