Không lơ là, chủ quan trong công tác phòng tránh, ứng phó với bão số 4
(binhthuan.gov.vn) Sáng
26/9, Bí thư Tỉnh ủy - Dương Văn An có buổi họp trực tuyến với các huyện: Phú
Quý, Tuy Phong và thị xã La Gi về công tác phòng tránh, ứng phó với bão số 4
(bão Noru). Cùng dự tại điểm cầu phòng họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Phó Bí thư
Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Hoài Anh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh
- Nguyễn Văn Phong; đại diện lãnh, đạo các sở, ngành liên quan và thành phố
Phan Thiết.
Theo báo cáo tại cuộc họp, triển khai công tác phòng
tránh, ứng phó với bão số 4, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm
kiếm cứu nạn tỉnh đã có công điện chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai
công tác phòng chống, ứng phó. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các
Đồn biên phòng trong tỉnh thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền hoạt động
trên biển biết tin về bão số 4 trên hệ thống trực canh của đơn vị, mở đài canh
24/24 để tiếp nhận thông tin, kiểm soát tàu thuyền, hướng dẫn các chủ phương tiện
nếu có sự cố xảy ra.
Toàn tỉnh hiện có 7.718 chiếc/43.874 lao động. Đến 10 giờ
00’ ngày 26/9/2022, số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 2.552chiếc/13.792
lao động. Trong đó có 368 chiếc/3.194 lao động tàu thuyền đánh bắt xa bờ, khu vực
hoạt động: Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Không có tàu thuyền đang
hoạt động trong khu vực, vùng nguy hiểm. Hiện đang neo đậu tại các bến là 5.100
chiếc.
Các tàu thuyền hoạt động trên biển hiện đã biết thông
tin, diễn biến về bão và đang được Biên phòng tỉnh hướng dẫn, kêu gọi vào bờ hoặc
tìm nơi tránh trú an toàn, không di chuyển vào vùng ảnh hưởng của bão; giữ liên
lạc với các Đồn biên phòng, các đài thông tin Duyên hải khu vực và với gia đình,
thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Toàn tỉnh có 117 lồng bè/307 lao động, các chủ bè nuôi
thủy sản đã được UBND các địa phương, Bộ đội Biên phòng thông báo biết tin về tình
hình thời tiết, ảnh hưởng của bão số 4 để có phương án gia cố, chằng buộc an toàn.
Đến 7 giờ 00’ ngày 26/9/2022, các hồ chứa đều đạt xấp xỉ
mực nước dâng bình thường, có hồ cao hơn và đang xả qua tràn (Trà Tân, Sông
Móng) Công ty TNHH MTV KTCT Thủy lợi đã phân công trực 24/24 tại tất cả các hồ
chứa, đầu mối công trình thủy lợi; phân công lực lượng ứng trực tại các điểm
xung yếu để theo dõi tình hình thời tiết, mưa lũ về hồ nhằm chủ động điều tiết
để đảm bảo an toan hồ chứa. Hiện, mực nước hồ Hàm Thuận là 592,265m/TK:605m;
lưu lượng về hồ là 55,40 m3/s; lưu lượng chạy máy là 25,65 m3/s. Hiện tại, Công
ty Cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi đang theo dõi, vận hành theo
đúng quy trình.
Tại cuộc họp, các địa phương cho biết đã thông báo cho
UBND các xã, phường, thị trấn và phát trên sóng phát thanh, truyền hình của địa
phương về diễn biến của bão, tình hình thời tiết, để người dân chủ động theo
dõi, có biện pháp triển khai ứng phó, phòng tránh va kế hoạch sản xuất phù hợp;
có kế hoạch phối hợp bố trí sắp xếp neo đậu, bảo đảm an toan tàu thuyền. Đồng
thời, rà soát các khu dân cư ven biển, vùng trũng, ngập lụt sẵn sàng phương tiện,
lực lượng để sơ tán khi có lệnh, chuẩn bị tốt theo phương châm “4 tại chỗ” ở các
cấp để ứng phó với các tình huống, sự cố có thể xảy ra.
Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy - Dương Văn An thống
nhất các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh và Ban Chỉ huy Phòng
chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đề nghị các sở, ngành, địa phương
khẩn trương triển khai thực hiện.
Nhấn mạnh, bão số 4 có cường độ mạnh, mặc dù Bình Thuận
không nằm trong vùng tâm bão đi qua, tuy nhiên vẫn có khả năng bị ảnh hưởng như
mưa lớn, gió giật… nên tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Bí thư Tỉnh ủy đề
nghị chú ý tập trung các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, công trình thủy lợi
sau khi bão đi qua, nhất là hoàn lưu bão. Mặc dù hiện nay các hồ đập có mực nước dâng bình thường, tuy nhiên không chủ quan mà phải sẵn sàng có phương án phù hợp đảm
bảo an toàn. Đối với thủy điện thì thực hiện xả lũ, hồ đập thủy lợi thì có dự báo
tình hình để thực hiện xả lũ cho phù hợp.
Bí thư Tỉnh ủy cũng nêu rõ, huyện đảo Phú Quý là vùng nếu
bão đi vào sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên và trực tiếp nên không được chủ quan, lơ
là mà tập trung các biện pháp phòng chống ngay từ bây giờ. Trong đó, chú ý kêu
gọi ngư dân đang khai thác ở các vùng có bão đi qua quay trở về, neo đậu cũng
như thực hiện lệnh cấm biển tại các địa phương có tâm bão đi qua và các vùng ảnh
hưởng lớn, mạnh của Bão. Đối với việc di dời dân cần có phương án, thông tin rõ
ràng để người dân biết di dời ngay khi bão đổ bộ. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Chỉ
huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường xuyên theo dõi chặt
chẽ trong trường hợp di dời cần phải thì có lệnh di dời ngay để đảm bảo an toàn,
cũng như tính mạng tài sản người dân.
Đối với các khu vực dễ sạt lở như các đồi cát cao, bãi
tro xỉ than tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân… cần phải lưu ý có các biện pháp canh
phòng, cũng như đàm bảo an toàn để không gây sạt lở ra các địa bàn lân cận khi
có mưa lớn. Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị lực lượng vũ trang có phương án tổ chức
lực lượng sẵn sàng ứng phó, hỗ trợ người dân trong trường họp có bão đổ bộ.
TT Dân