bannerHome
Khánh thành dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết
Lượt xem: 113


(binhthuan.gov.vn) Chiều ngày 18/6, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND hai tỉnh Bình Thuận và Khánh Hòa tổ chức khánh thành dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Nha Trang - Cam Lâm. Lễ khánh thành được tổ chức theo hình thức trực tuyến ở điểm cầu hai tỉnh Bình Thuận và Khánh Hòa. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự và phát biểu chúc mừng tại điểm cầu tỉnh Khánh Hòa. Dự tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng. Về phía tỉnh Bình Thuận có Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoài Anh; Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng; các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

Dự án đường bộ cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết có tổng chiều dài 101 km với tổng mức đầu tư 11.000 tỷ đồng. Điểm đầu của dự án thuộc địa phận xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong (trùng với điểm cuối dự án cao tốc đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo); điểm cuối dự án thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam (trùng với điểm đầu dự án cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây). Quy mô giai đoạn 1 của dự án gồm 4 làn xe với vận tốc tối đa 80 km/h, giai đoạn hoàn chỉnh của dự án gồm 6 làn xe.

Theo Bộ Giao thông vận tải, trong quá trình triển khai thi công, bên cạnh những thuận lợi, dự án đã rơi vào thời điểm gặp không ít những khó khăn như: Triển khai trong giai đoạn cả nước tập trung phòng chống đại dịch Covid-19, nhiều thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội, không thể huy động nhân sự, vận chuyển máy móc vào công trường; dự án trải dài qua nhiều khu vực có địa hình, địa chất phức tạp đòi hỏi phải theo dõi, có những điều chỉnh kịp thời về thiết kế kỹ thuật để đảm bảo chất lượng, tiết kiệm chi phí công trình; giá nhiên liệu, vật liệu có những thời điểm tăng cao đột biến; nguồn vật liệu xây dựng thông thường, đặc biệt là đất đắp nền đường đối với đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đến đầu năm 2023 vẫn còn thiếu… Dự án đưa vào khai thác là kết quả nổ lực của các Ban Quản lý dự án, nhà đầu tư, các nhà thầu thi công và các đơn vị tư vấn cùng hàng ngàn cán bộ, công nhân viên đã nêu cao tinh thần trách nhiệm cao nhất, vượt qua nhiều khó khăn, huy động đủ mọi nguồn lực, làm việc “3 ca, 4 kíp” không kể ngày đêm, ngày nghỉ, ngày lễ với quyết tâm đưa dự án vào khai thác sớm nhất.

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh - Đoàn Anh Dũng cho biết, trong 03 dự án cao tốc thành phần qua địa bàn tỉnh, Phan Thiết - Vĩnh Hảo là đoạn có chiều dài dài nhất, đi qua nhiều huyện và thành phố trên địa bàn tỉnh. Với tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm của toàn Đảng bộ và Nhân dân, sự tập trung chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ và đồng bộ của các sở, ngành, địa phương và Bộ Giao thông vận tải, Bình Thuận đã thực hiện tốt các nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, nhu cầu vật liệu, thỏa thuận kết nối các công trình hạ tầng kỹ thuật và công tác an ninh trật tự trong suốt quá trình thi công, góp phần quan trọng để hoàn thành dự án theo tiến độ được Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải giao.

Khẳng định, cùng với đoạn Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kết nối hạ tầng giao thông liên vùng của Bình Thuận với khu vực Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và thành phố Hồ Chí Minh, mở ra cơ hội phát triển kinh tế, nhất là kinh tế du lịch cho Bình Thuận và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ. Tác động dự án sẽ được phát huy mạnh mẽ hơn nữa khi kết nối với đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2024, tạo thành trục dọc đường bộ cao tốc hoàn chỉnh kết nối liên vùng Đông Nam Bộ, thành phố Hồ Chí Minh với Bình Thuận và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ.

Chủ tịch UBND tỉnh cho biết trong thời gian tới, Bình Thuận sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư thực hiện tốt các vấn đề liên quan trong quá trình vận hành, khai thác tuyến đường, nhất là bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, để tuyến đường hoạt thông suốt và hiệu quả; rà soát, hoàn chỉnh các tuyến đường kết nối theo trục ngang từ cao tốc với hệ thống đường tỉnh, để sớm tạo điều kiện cho người dân lưu thông, sử dụng thuận lợi các tuyến cao tốc. Cùng với đó, tỉnh khẩn trương rà soát, cập nhật quy hoạch, nhất là các vùng, lĩnh vực hưởng lợi từ các dự án cao tốc, để hoàn chỉnh Quy hoạch tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục kiến nghị Trung ương quan tâm đầu tư mở rộng các tuyến Quốc lộ qua địa bàn tỉnh (Quốc lộ 28, Quốc lộ 28B, Quốc lộ 55), kết hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và khai thác hiệu quả các công trình hạ tầng quan trọng của tỉnh như Cảng hàng không Phan Thiết, Cảng quốc tế Vĩnh Tân. Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào Bình Thuận để phát triển 03 trụ cột kinh tế công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao…

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc đưa vào khai thác 2 đoạn cao tốc đã cơ bản kết nối tuyến cao tốc từ thành phố Hồ Chí Minh - Khánh Hòa, giúp rút ngắn thời gian di chuyển, giảm tải cho Quốc lộ 1A, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải, giao lưu văn hóa, xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kích cầu du lịch, góp phần phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của vùng đất Duyên hải Nam Trung Bộ.

Thủ tướng đánh giá lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã thường xuyên đi kiểm tra, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn tại công trường; các nhà đầu tư, các Ban quản lý dự án, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn đã có quyết tâm cao, nỗ lực khắc phục các khó khăn để đưa các dự án đi vào khai thác, vận hành. Đồng thời, biểu dương sự nỗ lực, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết thiếu hụt vật liệu; cảm ơn bà con Nhân dân trong vùng ảnh hưởng đã sẵn sàng nhường đất, dời nhà để triển khai các dự án.

Để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư các dự án, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức vận hành, khai thác bảo đảm an toàn; căn cứ nhu cầu giao thông để xây dựng kế hoạch đầu tư hoàn chỉnh dự án theo quy mô quy hoạch trong tương lai; nghiên cứu, phân tích, đánh giá rút kinh nghiệm trong việc triển khai dự án để làm bài học cho các dự án sau này; đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa các đoạn còn lại của tuyến cao tốc Bắc - Nam vào khai thác đúng tiến độ, nâng cao chất lượng và không đội vốn bất hợp lý.

UBND các tỉnh Bình ThuậnKhánh Hòa chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là những gia đình, người dân nhường mặt bằng, đất đai cho dự án, bảo đảm người dân có điều kiện sống tốt hơn, yên tâm “an cư - lập nghiệp”; tận dụng tối đa lợi thế của tuyến đường cao tốc để quy hoạch và phát triển không gian mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các Bộ ngành, địa phương, cơ quan và Nhân dân khi vận hành cần bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình...

TT Dân

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập