Khai mạc Lễ hội Katê năm 2022 và công bố Quyết định đưa Lễ hội Katê của người Chăm Bình Thuận vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
(binhthuan.gov.vn) Sáng 25/10,
tại Tháp Pô Sah Inư, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, Sở Văn hóa, Thể thao
và Du lịch đã tổ chức khai mạc Lễ hội Katê năm 2022 và công bố Quyết định của Bộ
trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình
Thuận vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Dự Lễ có Phó Chủ tịch
UBND tỉnh - Nguyễn Minh; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể; các chức
sắc tôn giáo, bà con người Chăm và đông đảo du khách.
Lễ hội Katê của người Chăm theo đạo
Bàlamôn có quá trình hình thành, tồn tại từ rất lâu đời trong lịch sử và được
duy trì đến ngày nay, đây là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn
hóa của người Chăm. Lễ hội thể hiện sự thành kính, biết ơn đối với các vị thần
linh, ông bà, tổ tiên đã bảo bọc, chở che cho con cháu khỏe mạnh, cuộc sống
bình an, no ấm và hạnh phúc; thể hiện khát vọng của cộng đồng luôn cầu mong mưa
thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Lễ hội cũng là nơi thắt chặt tinh
thần đoàn kết, mối tương thân tương ái, nâng cao ý thức về cội nguồn dân tộc,
giá trị đạo đức, nhân cách sống, tinh thần hòa hợp để gắn kết các thành viên
trong cộng đồng lại với nhau. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tình cảm của
đồng bào Chăm, Lễ hội còn góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh Bình Thuận đến với
du khách trong nước và quốc tế.
Với những giá trị và ý nghĩa về lịch
sử, văn hóa đặc sắc, ngày 04/4/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
đã ban hành Quyết định số 776/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh
Bình Thuận vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch
UBND tỉnh - Nguyễn Minh gửi lời chúc mừng và chia vui với chính quyền các địa
phương cùng đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn trong tỉnh đã gìn giữ, bảo tồn và
phát huy giá trị Lễ hội Katê để hôm nay vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch ghi danh, đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là
cơ sở pháp lý để địa phương triển khai thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và
phát huy giá trị Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận trong thời gian đến.
Dịp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề
nghị UBND các huyện có đồng bào Chăm Bàlamôn sinh sống quan tâm, tạo điều kiện
thuận lợi cho đồng bào Chăm duy trì và phát huy các giá trị của Lễ hội, khuyến
khích việc hướng dẫn, phổ biến rộng rãi về nội dung, ý nghĩa và giá trị của Lễ
hội trong cộng đồng. Chỉ đạo UBND các xã xây dựng Kế hoạch tổ chức Lễ hội chu
đáo, có phương án bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường… đảm bảo an toàn
cho người dân cũng như du khách đến tham dự Lễ hội. Đồng thời, chú trọng giữ gìn,
bảo tồn nguyên vẹn phần lễ trong Lễ hội, duy trì tổ chức phần hội trong Lễ hội
với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi… phù hợp với điều kiện,
đặc thù và truyền thống văn hóa của địa phương.
Trong sáng nay đã diễn ra Lễ thỉnh
rước kiệu trang phục Nữ thần Pô Sah Inư. Đây là nghi thức quan trọng nhất của Lễ
hội Katê 2022. Sau nghi thức rước y trang là những nghi thức truyền thống như:
Mở cửa tháp, tắm bệ thờ Linga- Yoni, lễ mặc trang phục và cúng mừng Katê trước
tháp chính... Ngoài ra, diễn ra hoạt động trong phần hội với những gian hàng làm
bánh gừng, trình diễn nhạc cụ Chăm…; cùng với đó là các gian hàng trò chơi dân
gian như: Thi đội nước vượt chướng ngại vật, bịt mắt đập niêu... đã thu hút sự
tham gia của đông đảo du khách và nhân dân địa phương.
TT Dân