Hội nghị trực tuyến về “Thúc đẩy nâng cao chất lượng cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến”
(binhthuan.gov.vn) Chiều ngày 05/6, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với chuyên đề “Thúc đẩy nâng cao chất lượng cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến”. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận có đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; lãnh đạo một số đơn vị, địa phương liên quan.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã giới thiệu về dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá Cổng dịch vụ công năm 2023. Theo đó, Bộ tiêu chí đánh giá Cổng dịch vụ công bao gồm 3 trụ cột đánh giá với tổng điểm 100, đó là các tiêu chí: Tiêu chí đánh giá chức năng; Tiêu chí đánh giá hiệu năng và Tiêu chí đánh giá khả năng truy cập thông tin thuận tiện. Việc đánh giá chất lượng Cổng dịch vụ công bộ, ngành, địa phương được chia thành 5 mức độ (A, B, C, D, E). Bộ tiêu chí đánh giá Cổng dịch vụ công năm 2023 nhằm thực hiện đánh giá các Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương dưới góc độ người sử dụng. Đến nay, tỷ lệ Bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể để triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mới chỉ đạt 43,37%. Tổng số dịch vụ công của cả nước là 122.853 dịch vụ, gồm 4.678 dịch vụ công khối Bộ, 118.175 dịch vụ công khối tỉnh, trong đó có 71% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, chia sẻ những giải pháp đột phá của địa phương nhằm góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến như: Tăng cường kiểm tra, đánh giá, giám sát tại cơ sở; công khai danh mục hồ sơ trực tuyến; tiên phong thực hiện 2 ngày/tuần chỉ nhận hồ sơ điện tử; thực hiện thí điểm mô hình đại lý dịch vụ công trực tuyến; xây dựng tài khoản công dân số; phát huy hiệu quả hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số nhấn mạnh: Cần phải thay đổi cách làm dịch vụ công trực tuyến, đầu tiên là cách thức tiếp cận, nâng cao chất lượng dịch vụ công, mục tiêu đến năm 2025 có trên 90% hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương nâng cấp phần mềm thực hiện dịch vụ công trực tuyến; khẩn trương rà soát lại các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, ưu tiên 25 dịch vụ công thiết yếu, có nhiều người sử dụng để thực hiện đơn giản hóa, tái cấu trúc lại quy trình thực hiện, lược bỏ các bước trung gian không cần thiết, sau đó sẽ đơn giản hoá cho các thủ tục còn lại. Bên cạnh đó, đẩy mạnh triển khai việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích để hỗ trợ triển khai dịch vụ công trực tuyến; khẩn trương bảo đảm sẵn sàng chức năng ký số từ xa trên Cổng dịch vụ công và thúc đẩy người dân sử dụng để thực hiện dịch vụ công trực tuyến; cung cấp đầy đủ, đa dạng và nâng cao chất lượng các kênh tương tác, hỗ trợ người dân.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các ngành, địa phương đẩy mạnh hoàn thiện việc kết nối, tăng cường giám sát, đo lường một cách hiệu quả; thường xuyên đánh giá, kiểm tra, đối soát thông tin và số liệu cho chính xác; liên hệ đầu mối của Cục Chuyển đổi số quốc gia – Bộ Thông tin và Truyền thông mỗi khi việc kết nối gặp sự cố hoặc có vấn đề bất thường xảy ra, phấn đấu kết thúc giai đoạn Chính phủ điện tử vào năm 2025 để chuyển sang giai đoạn Chính phủ số.
Tại Bình Thuận, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được triển khai thống nhất, đồng bộ cho 18/19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh, 10/10 Ủy ban nhân dân cấp huyện, 124/124 Ủy ban nhân dân cấp xã; cung cấp 650 dịch vụ công trực tuyến/1.882 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 34,53% thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đáp ứng cơ bản yêu cầu để tổ chức, cá nhân thực hiện nộp/tra cứu thông tin giải quyết hồ sơ; luân chuyển xử lý hồ sơ trong nội bộ các cơ quan, trả kết quả và thực hiện thanh toán trực tuyến… Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông đang triển khai Dự án nâng cấp, tích hợp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính để bổ sung một số chức năng đáp ứng theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông…
Phạm Huệ