Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia
(binhthuan.gov.vn) Sáng
26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh
Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
và thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng tham dự cuộc họp tại điểm
cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành;
lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Dự tại đầu cầu tỉnh Bình Thuận có
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong; lãnh đạo các Sở, ngành liên quan.
Trong 9 tháng đầu năm, nhờ có sự vào cuộc của toàn hệ
thống chính trị, nền kinh tế nước ta tiếp tục đà phục hồi, đạt nhiều kết quả
quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được
kiểm soát,... Trong đó, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công vẫn là một
trong những giải pháp ưu tiên, quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
nhằm để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội năm 2022.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu
tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 được Quốc hội quyết nghị là hơn 526.105 tỷ đồng,
trong đó vốn ngân sách Trung ương là 222.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương
là 304.105 tỷ đồng. Nếu tính cả 16.000 tỷ đồng vốn Chương trình mục tiêu quốc
gia chuyển nguồn từ năm 2021 sang năm 2022, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách
Nhà nước năm 2022 là 542.105,895 tỷ đồng.
Đến ngày 23/9/2022, tổng số vốn ngân sách Nhà nước các Bộ,
cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự
án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân là 508.362,783 tỷ đồng, đạt 93,8%
kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước từ
đầu năm đến ngày 30/9/2022 hơn 253.148 tỷ đồng. Đáng chú ý, số tuyệt đối giải
ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 34.597,2 tỷ đồng, tăng khoảng 16%. Riêng
vốn ngân sách Trung ương giải ngân 89,911 tỷ đồng, đạt 37,78% kế hoạch Thủ tướng
Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2021 cả về số tuyệt đối 13,664 tỷ đồng và về
tỉ lệ giải ngân (cùng kỳ năm 2021 đạt 37,01%).
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có 2 cơ quan
Trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng
Chính phủ giao. 39/51 Bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải
ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,70%); trong đó, 14 Bộ, cơ quan
Trung ương và một địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng
Chính phủ giao.
Tính đến ngày 23/9, đã có 47/52 địa phương hoàn thành
việc giao kế hoạch vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho các cơ
quan, đơn vị, cấp trực thuộc. Trong đó, 29/52 địa phương đã phân bổ, giao 100%
kế hoạch vốn được giao, 10/52 địa phương giao trên 90% kế hoạch, còn lại giao
được trên 70% kế hoạch; 05/52 địa phương mới giao kế hoạch vốn đầu tư, chưa
giao kinh phí sự nghiệp cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc; 01/52 địa
phương (tỉnh Bạc Liêu) chưa hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch cho các cơ
quan, đơn vị và cấp trực thuộc.
Tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương phát
biểu ý kiến nêu những khó khăn, hạn chế; định hướng, giải pháp và nhiệm vụ đẩy
mạnh giải ngân đầu tư công; chia sẻ những mô hình, các làm hay, sáng tạo trong
quá trình tổ chức thực hiện trong giải ngân vốn đầu tư công và ba Chương trình
mục tiêu quốc gia.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh
Chính ghi nhận, biểu dương những kết quả mà các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực
đạt được, đóng góp quan trọng vào phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thủ
tướng cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai kế hoạch
đầu tư công năm 2022 vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đáng chú ý, 36 Bộ, cơ quan
Trung ương và 14 địa phương trong 3 tháng liên tiếp của quý III/2022 có tỷ lệ
giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.
Thủ tướng nhận định, thời gian tới, tình hình kinh tế
thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường sẽ ảnh hưởng không nhỏ
đến nền kinh tế nước ta. Những tháng cuối năm 2022, dự báo kinh tế trong nước
tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh
giải ngân vốn đầu tư công, triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát
triển kin tế - xã hội, ba Chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ rất quan
trọng, cấp thiết nhằm phục hồi nhanh và phát triển bền vững, duy trì ổn định
kinh tế vĩ mô, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
năm 2022.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện quyết liệt, đồng
bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông
điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Các Bộ,
ngành và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án dự kiến bố trí
kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; rà soát ưu tiên bố trí đủ
vốn cho các dự án chuyển tiếp, sắp xếp thứ tự ưu tiên khởi công mới các dự án
trong năm 2023 bảo đảm tính khả thi, hoàn thành một số dự án trọng điểm, tạo động
lực mới phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương.
Các Bộ, ngành và địa phương cũng cần tăng cường công
tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, bảo đảm sự
linh hoạt, chủ động trong điều hành kế hoạch gắn chỉ đạo với kiểm tra, đôn đốc
và đánh giá. Kiểm soát chặt chẽ số dự án và thời gian bố trí vốn, bảo đảm hiệu
quả, mục tiêu, tính liên tục trong đầu tư công, tránh dàn trải.
Chủ động ban hành kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ
khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, thẩm định, đấu thầu,
chứng từ thanh quyết toán..., đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án; đẩy
mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thủ
tục hành chính về đầu tư công; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn
đầu tư công.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Tổ công tác của các bộ,
ngành, địa phương cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, xử lý, tháo gỡ
khó khăn, vướng mắc một cách kịp thời, hiệu quả; yêu cầu Ban quản lý dự án, nhà
thầu có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án nhằm
đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư.
Đối với ba Chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng
yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Lao động -Thương binh và Xã hội, Công Thương, Giáo dục
và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, ban
hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình; Chủ tịch UBND các tỉnh,
thành phố khẩn trương chỉ đạo xây dựng lộ trình triển khai.
TT Dân