Góp ý dự thảo Đề án tự cân đối ngân sách tỉnh Bình Thuận đến năm 2025 và giai đoạn 2026-2030
(binhthuan.gov.vn) Sáng 04/10/2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến góp ý dự thảo Đề án tự chủ ngân sách tỉnh Bình Thuận đến năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 (sau đây gọi tắt là Đề án). Tham dự buổi làm việc, có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Trong những năm gần đây, kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận phát triển khá nhanh, tạo chuyển biến bước đầu trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng; năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp được cải thiện; năng lực sản xuất, quy mô nền kinh tế tăng đáng kể. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cơ cấu lại các ngành kinh tế được đẩy mạnh…
Thống kê từ năm 2017 đến nay, nền kinh tế tỉnh Bình Thuận đã có sự phát triển vượt bậc. Đặc biệt về lĩnh vực thu ngân sách nhà nước, Bình Thuận liên tục có số thu vượt dự toán do Bộ Tài chính giao, trở thành tỉnh có số thu ngân sách nhà nước vượt trên 10.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 2017-2023, tỉnh Bình Thuận là tỉnh nhận trợ cấp bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương. Tổng kinh phí ngân sách Trung ương bổ sung cho ngân sách địa phương trong giai đoạn 2017 – 2023 là 28.985 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 33,64% tổng thu ngân sách địa phương. Có thể thấy, tỷ lệ bổ sung từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương đã giảm từ 36,08% trong năm 2017 còn 33,38% trong năm 2023. Tuy nhiên, số bổ sung từ ngân sách Trung ương để đảm bảo các nhiệm vụ chi theo phân cấp cho ngân sách địa phương vẫn còn cao.
Quang cảnh buổi làm việc
Với những kết quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua đã tạo tiền đề quan trọng để Bình Thuận phấn đấu tự cân đối thu chi ngân sách trong thời gian sớm nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 289/TB-VPCP ngày 19/9/2022. Mặt khác việc xây dựng Đề án còn là điều kiện cần thiết để đánh giá khả năng đảm bảo các nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương chính từ nguồn thu nội địa trên địa bàn tỉnh, không trông chờ trợ cấp cân đối từ ngân sách Trung ương.
Tại buổi làm việc, đại biểu dự họp đã được nghe Sở Tài chính báo cáo tóm tắt Đề án, đề xuất 02 phương án để lựa chọn (Bình Thuận trở thành tỉnh tự cân đối thu, chi ngân sách trong năm 2026 hoặc trong năm 2030); nghe Cục Thuế tỉnh báo cáo, đề xuất dự báo nguồn thu ngân sách nhà nước đến năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.
Ngay sau nghe các báo cáo và đề xuất phương án, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì thảo luận đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đề xuất cụ thể việc phân bổ vốn đầu tư của nhà nước và kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực, công trình, dự án trọng điểm cần tập trung đầu tư, phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, cuộc họp cũng đã được nghe các sở, ngành báo cáo cụ thể từng nhiệm vụ của ngành mình để phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, cải thiện nguồn thu ngân sách nhà nước của tỉnh Bình Thuận.
Thảo luận về Đề án. Một số đại biểu cho rằng cần lưu ý thời điểm bắt đầu tự chủ ngân sách; việc lựa chọn thời điểm tự chủ cần được cân nhắc có phù hợp hay không nhất là đối với điều kiện kinh tế của tỉnh Bình Thuận.
Các đại biểu cũng lưu ý, qua học tập kinh nghiệm các tỉnh thành khác cho thấy, việc tự chủ ngân sách được thực hiện dựa trên nền kinh tế tư nhân phát triển và nhiều dự án công nghiệp trên địa bàn. Tỉnh Bình Thuận có đủ các điều kiện này hay không, khả năng phát triển trong thời gian đến về cơ sở hạ tầng, công nghiệp, dịch vụ như thế nào. Đề án cần làm rõ những yếu tố này để tính toán chính xác hơn nữa năng lực tự chủ ngân sách của tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng phát biểu
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng yêu cầu Sở Tài chính tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp; nghiên cứu soạn thảo lại Tờ trình Đề án; hoàn thiện bố cục Đề án; Tờ trình Đề án cần có báo cáo đánh giá khái quát chuyến đi học tập mô hình tự cân đối ngân sách tại các tỉnh Khánh Hoà và Long An; Cục Thuế tỉnh phối hợp với các sở ngành có liên quan cập nhật chính xác số liệu thu chi ngân sách vào Đề án./.
Hữu Tri