Đẩy mạnh kết nối, giúp doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn, thích ứng với giai đoạn mới
(binhthuan.gov.vn) Sáng
11/8, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc
với các doanh nghiệp với chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển
bền vững”. Cùng dự có Phó Thủ tướng - Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng - Lê Văn
Thành; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, các địa phương cùng nhiều doanh
nghiệp trên cả nước. Dự tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận có Chủ tịch UBND tỉnh - Lê
Tuấn Phong; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Phan Văn Đăng; Phó Chủ tịch
UBND tỉnh - Nguyễn Văn Phong; đại diện lãnh đạo các Sở, ngành liên quan và 20
doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thế giới tác động đến
kinh tế - xã hội trong nước, nhất là tác động đến sản xuất, kinh doanh của các
doanh nghiệp; lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp; đề ra các giải pháp thúc đẩy sản
xuất, kinh doanh, tạo việc làm, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế xã hội
nhanh và bền vững.
Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp đã rất nỗ lực vượt
qua khó khăn và đạt được một số kết quả tích cực khi nền kinh tế phục hồi ở hầu
hết các ngành, lĩnh vực; hoạt động sản xuất kinh doanh có nhiều khởi sắc. Kinh
tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy,
các cân đối lớn được bảo đảm (thu - chi, xuất - nhập khẩu, lương thực- thực phẩm,
năng lượng, lao động). Quốc phòng an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn
xã hội được giữ vững, hội nhập và đối ngoại được mở rộng và đẩy mạnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá toàn diện tình
hình sản xuất kinh doanh 7 tháng đầu năm 2022; tác động của kinh tế thế giới tới
hoạt động trong nước, nhận định cơ hội, khó khăn, rào cản, vướng mắc cần tháo gỡ
và lắng nghe đề xuất cụ thể một số giải pháp của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội
doanh nghiệp trong một số ngành: Du lịch, hàng không, xây dựng, điện tử, công
nghiệp hỗ trợ, logistics, chế biến và xuất khẩu thủy sản, lúa gạo, rau quả.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh
Chính cảm ơn sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp vào những thành tựu, kết quả
chung của đất nước; đồng thời, chia sẻ với các khó khăn, thách thức và cả hy sinh, mất mát
mà các doanh nghiệp gặp phải trong thời gian qua. Đánh giá cao các ý kiến, tâm
huyết của cộng đồng doanh nghiệp, sự trao đổi thẳng thắn của đại diện các bộ,
ngành, địa phương tại Hội nghị, Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, cần khẩn
trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải
quyết cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tiếp
tục hỗ trợ nhằm giảm thuế, phí xăng dầu, các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho
sản xuất kinh doanh; nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu thay thế nguyên liệu
nhập khẩu. Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch
Covid-19, đặc biệt là thần tốc hơn nữa trong tiêm chủng vaccine theo mục tiêu
đã đề ra. Mặt khác, đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, đào tạo, đào tạo lại
cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường. Đẩy mạnh công tác quy hoạch,
đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm nâng cao năng lực và sức
cạnh tranh của nền kinh tế…
Đối với cộng đồng doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp, Thủ
tướng đề nghị các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp cần phát huy vai trò trong hỗ
trợ doanh nghiệp thành viên, đặc biệt đẩy mạnh các hoạt
động kết nối, giúp các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn hiện nay, thích
ứng với giai đoạn mới. Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu
trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo để tìm ra cơ hội
trong thách thức, xoay chuyển và thích ứng; nâng cao năng suất, năng lực, sức cạnh
tranh; quan tâm đến việc giữ chân người lao động, tái cấu trúc lao động; đầu tư
hơn nữa cho công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quản lý và quản
trị doanh nghiệp; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và
nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị
toàn cầu. Thủ tướng mong muốn cộng đồng doanh nhân nêu cao tinh thần tự hào dân
tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh, xây dựng
văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp,
cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác, đổi mới sáng tạo, nâng cao
năng lực cạnh tranh để phát triển kinh tế đất nước.
TT Dân