Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
(binhthuan.gov.vn) Ngày 16/9, dưới sự chủ trì của đồng chí Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy, Ban Thường vụ
Tỉnh ủy họp cho ý kiến Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn
đến năm 2050. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh
ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Lê Tuấn Phong - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch
UBND tỉnh; nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy;
các Phó Chủ tịch HĐND - UBND tỉnh; đơn vị tư vấn Viện chiến lược phát triển - Bộ
Kế hoạch và Đầu tư và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Theo trình bày của Sở Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị tư vấn,
Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có mục
tiêu tổng quát không ngừng nâng cao đời sống và phúc lợi nhân dân, hướng tới
phát triển bao trùm, đảm bảo mọi người dân dễ dàng tiếp cận các cơ hội phát triển
và hưởng thụ thành quả của quá trình phát triển; huy động và sử dụng hợp lý, hiệu
quả các nguồn lực, phát triển toàn diện trên cơ sở tạo lập một hệ sinh thái
phát triển hiện đại và bền vững; phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ,
đổi mới sáng tạo thúc đẩy tăng trưởng xanh, hình thành nền kinh tế ít chất thải,
trọng tâm là phát triển 3 trụ cột gắn với ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi
giá trị, gồm: Dịch vụ với các loại hình du lịch, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng,
chăm sóc sức khỏe, dịch vụ đào tạo và nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học
công nghệ, dịch vụ logistics; Công nghiệp với nòng cốt là công nghiệp chế biến
chế tạo, công nghiệp năng lượng sạch được tổ chức thành các cụm (cluster) liên
ngành; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với những chuỗi sản xuất nông - công
nghiệp chế biến.
Phấn đấu mục tiêu
tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 7,5 đến 8%. GRDP bình
quân đầu người năm 2025 đạt 4.600 đến 4.800 USD, đến năm 2030, đạt 7.800 đến 8.000
USD. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng trên 60%…
Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Thanh Cảnh
Tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá báo cáo tổng hợp
Quy hoạch tỉnh tương đối toàn diện, về cơ bản khái quát được các tiềm năng, lợi
thế của tỉnh để xây dựng các kịch bản phù hợp. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề
nghị đơn vị tư vấn cần có đánh giá cụ thể về bối cảnh kinh tế của địa phương
trong từng giai đoạn, nêu bật và rõ nét hơn các đặc thù, lợi thế của tỉnh nhằm
xác định mục tiêu ưu tiên đầu tư phát triển; đề cao liên ngành, liên vùng.
Theo nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Mạnh Hùng, Quy hoạch
tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần xác định khu vực
xung yếu để bổ sung ưu tiên đầu tư các tuyến đê, kè biển để hạn chế xâm thực. Cần
nghiên cứu phát triển để hình thành vùng trồng nguyên liệu bông vải ở các huyện
Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình. Ngoài ra, phải đảm bảo mạng lưới khu vực thực hiện xã
hội hóa các ngành y tế, thể dục thể thao và thể hiện rõ trong bản đồ đã được số
hóa. Nghiên cứu quy hoạch kết nối hạ tầng logistics, trục giao thông ven biển.
Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Thanh Cảnh
cũng cho rằng cần nhận diện tiềm năng thế mạnh, cơ hội, đồng thời nhận thức rõ
những khó khăn, thách thức là việc rất quan trọng. Trong quy hoạch nêu rõ vấn đề
giải quyết điểm nghẽn về chồng lấn quy hoạch titan; mâu thuẫn giữa nhu cầu nguồn
lực và khả năng đầu tư; những thách thức về ứng phó với biến đổi khí hậu tác động
đến Bình Thuận như việc thiếu nước sản xuất, hạn hán, vấn đề sạt lở bờ biển đe
dọa đến đời sống người dân và là nguyên nhân làm mất đất sản xuất… Đồng chí cũng
cho rằng, quan điểm phát triển cần nhấn mạnh đến khát vọng và tư duy phát triển.
Đại biểu cũng nhìn nhận Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời
kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần phải sát với thực tế; đề cập việc Bình
Thuận trở thành Trung tâm Du lịch quốc gia khi hạ tầng giao thông được kết nối
phát triển, với thế mạnh sẵn có thi nên nói rõ tập trung khai thác thế mạnh về
du lịch biển, sông suối, du lịch tâm linh, … đồng thời có sản phẩm du lịch phong
phú để tạo nét riêng nhằm giữ chân du khách đến với Bình Thuận. Đặc biệt là phải
sắp xếp hợp lý các quy hoạch, tránh chồng lấn, không kiềm hãm sự phát triển du
lịch. Ngoài ra, cần tính toán đến phân bổ vùng hợp lý khi hạ tầng giao thông phát
triển; cần thận trọng trong việc nghiên cứu phát triển thêm tàu thuyền mà nên
nghiên cứu liên kết vùng trong khai thác hải sản…
Bí thư Tỉnh ủy - Dương Văn An nhấn mạnh Quy hoạch tỉnh
Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần phải có tầm nhìn xa,
sự đột phá, phải tổ chức thực hiện được trên cơ sở những tiềm năng lợi thế hiện
có và đưa Bình Thuận phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh.
Bí thư Tỉnh ủy cảm ơn những ý kiến xác đáng của đại biểu
dự họp và cảm ơn đơn vị tư vấn đã dành nhiều công sức, trí tuệ để xây dựng Quy
hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mặc dù phải chỉnh
sửa qua nhiều lần tham gia ý kiến. Quy hoạch đảm bảo tiến độ thời gian, các nội
dung cơ bản xác định được mục tiêu, định hình không gian phát triển cho Bình Thuận
trong 10 năm và tầm nhìn 30 năm tới.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương
tiếp tục tích cực tham gia ý kiến; đồng thời đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu,
nghiên cứu bổ sung, sớm hoàn thiện các nội dung của Quy hoạch để trình Ban chấp
hành Đảng bộ tỉnh cho ý kiến vào kỳ họp sắp tới. Đồng chí cũng lưu ý cần căn cứ
vào 5 Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy khóa XIV về: Phát triển ngành nông nghiệp
hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao; Phát triển du lịch đến năm 2025, định
hướng đến năm 2030; Đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ
tầng kinh tế - xã hội đến năm 2025; Phát triển công nghiệp đến năm 2025, định
hướng đến năm 2030; Phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số để có hướng tiếp cận
cao hơn. Cùng với đó, cập nhật thêm một số nội dung mới mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy
đã kiến nghị Chính phủ tại cuộc họp Thủ tướng Chính phủ làm việc với cán bộ chủ
chốt tỉnh, cơ bản đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao cho tỉnh triển khai và
các Bộ, ngành hướng dẫn, chẳng hạn như phấn đấu xây dựng khu kinh tế ven biển để
phát triển kinh tế biển.
TT Dân