Bàn giải pháp cải thiện chỉ số cải cách hành chính và chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công
(binhthuan.gov.vn)
Sáng 27/7, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến Báo cáo phân tích chỉ số cải
cách hành chính (PAR Index) và chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công
(PAPI) năm 2021 của tỉnh. Đồng chí Lê Tuấn Phong - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Dự
Hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên
quan. Hội nghị được kết nối trực tuyến với 10 điểm cầu tại các huyện, thị xã,
thành phố trong tỉnh.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước
ta luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác cải cách hành chính. Trên địa bàn tỉnh,
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ
trọng tâm, xuyên suốt của toàn hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền các cấp
trong chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện.
Các cấp, ngành trong tỉnh đã nỗ lực thực
hiện các nội dung trên các lĩnh vực cải cách hành chính, hệ thống các văn bản
quy phạm pháp luật thường xuyên được rà soát, ban hành; thủ tục hành chính được
cập nhật, công bố, công khai; tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, địa
phương được rà soát, kiện toàn theo hướng tinh gọn; đã triển khai, nâng cấp các
phần mềm điện tử trong quản lý điều hành; cung cấp các dịch vụ công trực tuyến
mức độ 3, 4 trong tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân…
qua đó đáp ứng các yêu cầu trong công tác quản lý nhà nước và phục vụ người
dân.
Tuy nhiên, kết quả xếp hạng các chỉ số
của tỉnh còn hạn chế, một số chỉ số, chỉ số thành phần còn thấp. Cụ thể, chỉ số
PAR Index năm 2021 của Bình Thuận xếp thứ 56/63 tỉnh, thành (giảm 01 bậc so với
năm 2020). Chỉ số chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của
cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2021 xếp thứ 61/63 tỉnh, thành (năm
2020 xếp thứ 63/63 tỉnh, thành).
Riêng chỉ số PAPI mặc dù có cải thiện
về điểm số và tăng 41 bậc so với năm 2020, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành nhưng một
số nội dung chỉ số thành phần vẫn còn thấp như: Chỉ số về “Thủ tục hành chính
công” xếp thứ 47/63 tỉnh, thành; chỉ số về “Quản trị môi trường” xếp thứ 35/63
tỉnh, thành…
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở,
ban, ngành và các địa phương cho rằng, một số nội dung cải cách hành chính cải
thiện còn chậm, kết quả chưa bền vững, một số chỉ số và một số chỉ số thành phần
vẫn còn thấp nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của một bộ phận lãnh đạo quản
lý, nhất là vai trò người đứng đầu trong chỉ đạo điều hành và tổ chức triển
khai chưa đầy đủ, kịp thời các chỉ tiêu, nhiệm vụ giao cho cơ quan, đơn vị theo
yêu cầu; chưa có nhiều cách làm mới, giải pháp mang tính đột phá, cải tiến
phương pháp, lề lối làm việc của mỗi cá nhân và tại từng cơ quan, đơn vị để cải
thiện các tiêu chí liên quan chỉ số của tỉnh. Các đại biểu cũng đề xuất những
nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục những vấn đề tồn tại, hạn chế đã chỉ ra, hướng
đến hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính, cải
thiện các chỉ số của tỉnh trong năm 2022 và thời gian tới.
Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ
cải cách hành chính năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Tuấn Phong yêu cầu các cấp,
ngành, địa phương phải xem việc cải thiện chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI là trách
nhiệm quan trọng của mình trong việc xây dựng bộ máy, cơ quan đơn vị hành chính
nhà nước, hoạt động chất lượng hiệu quả và nâng cao chất lượng phục vụ đối với
người dân. Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI năm 2022 phải được cải thiện tích cực
về số liệu và thứ bậc, việc cải thiện phải thực chất, thể hiện qua chất lượng phục
vụ đối với người dân và mức độ hài lòng của người dân.
Để đạt được điều này, Chủ tịch UBND tỉnh
yêu cầu người đứng đầu các Sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm
vụ, giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế, cải thiện điểm số, thứ hạng chỉ
số PAR INDEX, SIPAS, PAPI của tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Người
đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện
nghiêm túc Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 07/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc nâng cao các chỉ số PAR Index, SIPAS,
PAPI, PCI của tỉnh giai đoạn 2021- 2025.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu người
đứng đầu các Sở, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển
đổi số theo Nghị quyết số 10, ngày 18/3/2022 của Tỉnh ủy và Đề án phát triển ứng
dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc
gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
được phê duyệt, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện số hóa các giấy
tờ, thủ tục hành chính, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu
đất đai, hộ tịch, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4…, từ đó góp
phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và giảm giấy tờ hành chính, chi phí
thời gian, chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính của người
dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, làm tốt hơn nữa sự phối hợp
giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ có tính chất liên thông, phối
hợp, thông qua xây dựng và cụ thể hóa, tuân thủ các quy trình, các bước giải
quyết hồ sơ công việc, thời gian thực hiện ở từng khâu của thủ tục hành chính
liên thông. Có giải pháp cụ thể để nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục
vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhất
là cán bộ, công chức, viên chức tiếp xúc và giải quyết hồ sơ hành chính cho tổ
chức, cá nhân.
TT Dân