Ban Cán sự đảng UBND tỉnh họp nghe báo cáo Đề án phát triển kinh tế ban đêm
(binhthuan.gov.vn) Sáng ngày 31/10, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng - Bí thư Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chủ trì họp nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Bình Thuận đến năm 2030. Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh; các đồng chí là thành viên Ban Cán sự đảng UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan. Cuộc họp được kết nối trực tuyến với điểm cầu UBND các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Phú Quý; UBND thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi.
Kinh tế ban đêm bao gồm các hoạt động chính như: Giải trí ban đêm (gồm các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, nhà hát, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện), du lịch ban đêm (hoạt động tham quan ở các địa điểm tập trung khách du lịch), dịch vụ ẩm thực ban đêm (gồm nhà hàng, quán bar...), và các hoạt động mua sắm (các chợ đêm, khu mua sắm, thương mại…). Do vậy, Kinh tế ban đêm thường phát triển, hoặc phổ biến hơn ở các khu vực tập trung đông người như khu đô thị và khu du lịch - dịch vụ.
Bình Thuận có nhiều tiềm năng đã và đang được khai thác phát triển mạnh mẽ các hoạt động du lịch, dịch vụ, cùng với quá trình đô thị hóa nhanh đang tạo ra cơ hội cũng như áp lực đối với phát triển kinh tế ban đêm. Sự thành công trong phát triển kinh tế ban đêm sẽ giúp các cơ quan quản lý Nhà nước của tỉnh có thêm kinh nghiệm và mạnh dạn hơn trong tiếp cận đối với các mô hình, cách thức tổ chức quản lý các hoạt động kinh tế mới. Góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững của địa phương.
Tại cuộc họp, ông Lê Ngọc Tiến Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày dự thảo Đề án kinh tế ban đêm tại tỉnh Bình Thuận đến năm 2030. Theo đó, việc phát triển kinh tế ban đêm phải phù hợp với chiến lược, định hướng, quy hoạch phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh. Bổ trợ cho các hoạt động ban ngày, đảm bảo mục đích tạo thêm việc, nâng cao thu nhập, cải thiện dân sinh cho người dân. Nội dung phát triển kinh tế ban đêm phù hợp với nhu cầu, xu thế của thị trường, đáp ứng yêu cầu, nhu cầu tiêu dùng, vui chơi, giải trí của người dân… Tập trung vào các hoạt động thương mại và dịch vụ chính trong lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch; trọng tâm là ở các đô thị, khu du lịch - dịch vụ tập trung đông người diễn ra từ 18 giờ tối hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau.
Theo dự thảo, việc thực hiện Đề án gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2023 - 2025, tổ chức thí điểm hoạt động phát triển kinh tế ban đêm một số khu vực phù hợp tại các địa phương trong tỉnh. Giai đoạn 2026 - 2030, sẽ đánh giá kết quả phát triển kinh tế ban đêm tại các địa phương thí điểm. Hoàn thành định hướng, mô hình phát triển kinh tế ban đêm của tỉnh, kêu gọi đầu tư và phát triển các dự án phục vụ kinh tế ban đêm. Khảo sát, xác định các địa điểm, khu vực phù hợp của các địa phương trong tỉnh để tổ chức khai thác phục vụ kinh tế ban đêm.
Dự thảo đề ra 8 nhóm giải pháp để thực hiện. Cụ thể: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế ban đêm; định hướng quy hoạch; xây dựng, áp dụng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư; hoàn thiện cơ sở hạ tầng; tổ chức khai thác, phát triển sản phẩm, dịch vụ; tăng cường xúc tiến, quảng bá và liên kết hợp tác phát triển kinh tế ban đêm; tăng cường công tác quản lý Nhà nước, nhất là đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng dịch vụ; phát triển nguồn nhân lực phục vụ kinh tế ban đêm.
Tại cuộc họp, các đại biểu cơ bản thống nhất dự thảo Đề án kinh tế ban đêm tại tỉnh Bình Thuận đến năm 2030. Việc phát triển kinh tế ban đêm là mô hình mới đối với các địa phương, bên cạnh những thuận lợi thì các đại biểu cho rằng, đa số các địa phương hiện tại chưa hội tụ đủ điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm, như: Việc lựa chọn địa điểm để thực hiện, khó khăn về hạ tầng và đối tượng tham gia... Đại biểu đề nghị cần chọn thành phố Phan Thiết làm địa phương để thực hiện thí điểm ở giai đoạn 1; đối với một số ngành nghề, lĩnh vực phát triển kinh tế ban đêm cần có quy hoạch cụ thể; cần đa dạng các loại hình dịch vụ và phải có lộ trình thực hiện phù hợp…
Sau khi nghe báo cáo và ý kiến đại biểu dự họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng cho rằng đây là vấn đề mới và khó. Trên cơ sở ý kiến đại biểu dự họp, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu nghiên cứu bổ sung để hoàn chỉnh dự thảo. Lưu ý Đề án sau khi được ban hành phải đảm bảo tính khả thi cao. Lộ trình đảm bảo chặt chẽ, thận trọng.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần tiếp tục tham khảo thêm một số tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng với Bình Thuận đã thực hiện hiệu quả, thành công kinh tế ban đêm, từ đó rút ra những khó khăn thuận lợi, bài học kinh nghiệm để triển khai tại tỉnh… Trước mắt, cần tận dụng những địa điểm sẵn có cơ sở hạ tầng phù hợp để phát triển kinh tế ban đêm. Song song đó, tùy theo điều kiện của từng địa phương mà lựa chọn hình thức triển khai cho phù hợp và cần có cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia.
Về lộ trình thực hiện, thống nhất chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2023 - 2025), chọn Phan Thiết là địa phương thực hiện thí điểm. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị UBND thành phố Phan Thiết lựa chọn thời điểm phù hợp để triển khai ngay việc phát triển kinh tế ban đêm trên tinh thần chặt chẽ, thận trọng, phù hợp với thực tế. Các sở, ngành liên quan tập trung hỗ trợ Phan Thiết trong quá trình triển khai. Về lâu dài, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần quy hoạch, sắp xếp khu vực riêng để triển khai. Đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng phù hợp. Tăng cường quảng bá để người dân, du khách biết ủng hộ…
TT Dân