(binhthuan.gov.vn) Các
địa phương gần với Bình Thuận như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương
hiện có số ca mắc COVID-19 gia tăng, do đó nguy cơ Bình Thuận sẽ tiếp tục ghi
nhận thêm những ca mắc mới điều khó tránh khỏi. Trong bối cảnh này, Bình Thuận
sẽ siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch, tận dụng thời điểm các địa phương
nói trên đang thực hiện Chỉ thị 16 để khống chế dịch bệnh một cách hiệu quả nhất.
Thời gian qua, Ban Chỉ
đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh, ngành Y tế và các lực lượng chức năng
đã giám sát, khống chế tốt chùm ca bệnh BN14252 của tỉnh trong đợt dịch COVID-19
lần thứ 4. Với 08 ngày liền, Bình Thuận không có phát sinh ca bệnh COVID-19 mới.
Tuy nhiên, đến ngày thứ 09, Bình Thuận phát hiện 01 ca bệnh BN24318 là kỹ sư
làm đường cao tốc ở Tuy Phong, xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh đến tỉnh.
Đến ngày 11/7, Bình
Thuận ghi nhận thêm 02 ca mắc COVID-19. Ca bệnh BN28496 là F1 của bệnh nhân
BN24318, đã được cách ly tập trung từ ngày 07/7. Ca bệnh BN28497 là từ Đồng Nai
về tỉnh bằng xe gắn máy, đi ăn, uống tại một số quán ở xã Tân Thành (Hàm Thuận
Nam). Các chùm ca bệnh này đều liên quan đến các địa phương gần với Bình Thuận.
Hiện nay, ngành Y tế đang truy vết, giám sát, điều tra dịch tễ, cách ly, lấy mẫu
các trường hợp F1, F2 có liên quan.
Theo dự báo của ông
Đinh Thế Hùng - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bình Thuận khả năng
sẽ có thêm các ca dương tính trong khoảng 01 - 02 tuần tới. Các ca mắc COVID-19
có thể xuất phát số lượng người từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ
Chí Minh trở về tỉnh. Đây là điều không thể tránh khỏi, vấn đề đặt ra ở đây là địa
phương phải giám sát được nguồn lây và khống chế được.
Lý giải cho nhận định
này, ông Đinh Thế Hùng nói: “Các tỉnh gần với Bình Thuận như thành phố Hồ Chí
Minh, Đồng Nai, Bình Dương hiện có số ca mắc COVID-19 gia tăng. Nguy cơ của
Bình Thuận sẽ tăng theo mức độ diễn biến tại 3 tỉnh, thành trên. Đáng lưu ý, số
ca mắc mới tại thành phố Hồ Chí Minh tăng hàng trăm ca mỗi ngày. Trong khi đó,
Bình Thuận có mối giao lưu hết sức chặt chẽ với các địa phương trên. Khi thành
phố Hồ Chí Minh phong tỏa theo Chỉ thị 16, người dân Bình Thuận đang làm ăn,
mua bán, học tập tại đây sẽ quay về tỉnh rất nhiều. Mỗi ngày, số lượng lớn người
từ thành phố Hồ Chí Minh về Bình Thuận, thì khó tránh khỏi những trường hợp đã
nhiễm COVID-19. Bên cạnh đó, hiện nay, không ít tàu thuyền đi vào các cảng
trong tỉnh để bán hải sản và mua sắm hậu cần cho chuyến biển sau. Khả năng có tàu
xuất phát từ những tỉnh có ca mắc COVID-19. Đồng thời, sự giao lưu giữa các
thuyền trong quá trình đánh bắt trên biển tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ”.
Cần phải nói thêm rằng,
đây là thời điểm các địa phương giáp ranh với tỉnh Bình Thuận đang thực hiện
giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, do đó lượng người đi vào tỉnh sẽ giảm đi đáng
kể. Đây chính là cơ hội vàng để tỉnh Bình Thuận khống chế tốt dịch bệnh. Trước
thực tế nêu trên, tỉnh Bình Thuận đang tăng cường các giải pháp ngăn chặn dịch COVID-19
theo 03 hướng, bao gồm: Ngăn chặn nguồn lây bên ngoài; Rà soát nguy cơ trong cộng
đồng; Đảm bảo an toàn tại bệnh viện, khu công nghiệp.

Lấy mẫu xét nghiệm
test nhanh đối với các trường hợp từ bên ngoài đi vào tỉnh
Để chặn đứng nguy cơ nguồn
bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào tỉnh. Tất cả các trường hợp có yếu tố ngoài tỉnh,
kể cả người Bình Thuận đi vào thành phố Hồ Chí Minh và quay về lại trong ngày đều
phải được giám sát. Đồng thời, ngành Y tế cũng tăng cường rà soát, lấy mẫu xét
nghiệm ngẫu nhiên để đánh giá nguy cơ tiềm ẩn trong cộng đồng. Việc tăng cường
công tác xét nghiệm tầm soát sẽ giúp ngành Y tế phát hiện sớm các trường hợp có
bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng, kịp thời ngăn chặn trước khi hình thành ổ dịch lớn.
“Điều quan trọng nhất
là không để dịch COVID-19 xâm nhập vào bệnh viện và khu công nghiệp. Bằng cách
lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc nhân viên y tế, người bệnh, thân nhân, công nhân của
khu công nghiệp. Nếu bệnh đã vào, thì ca bệnh phải được phát hiện sớm, xử lý kịp
thời không để bệnh lây lan. 02 cơ sở nêu trên được an toàn, sẽ bảo toàn lực lượng
nòng cốt trong ngành y tế, không để ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh
nghiệp”, ông Đinh Thế Hùng nhấn mạnh.
Trong thời gian tới,
UBND tỉnh sẽ yêu cầu các sở, ban, ngành huy động toàn bộ lực lượng chính trị, tạm
dừng các công việc không cần thiết, tiến hành rà soát toàn bộ các trường hợp từ
địa phương khác đi về tỉnh. Quyết tâm không bỏ sót bất cứ trường hợp nào. Nếu
tình hình dịch chưa ổn định, UBND tỉnh sẽ tiếp tục siết chặt các biện pháp
phòng, chống dịch. Tiếp tục tạm dừng các hoạt động kinh doanh, loại hình dịch vụ
không cần thiết để ưu tiên việc phòng, chống dịch./.
Hữu Tri