bannerHome
Tình hình thực hiện việc đánh giá tác động chính sách, thủ tục hành chính trong đề nghị, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật 6 tháng đầu năm 2023
Lượt xem: 31

Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh được xác định là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý nhà nước và luôn được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.  Trong 6 tháng đầu năm 2023, các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thi hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 10/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật, Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 30/5/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Các cơ quan chuyên môn đã tập trung tham mưu HĐND, UBND tỉnh xây dựng, ban hành các văn bản nhằm triển khai, cụ thể hóa các nhiệm vụ địa phương được giao quy định chi tiết trong các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương; quy định các chính sách, biện pháp nhằm đảm bảo thi hành Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương. Theo đó, việc lập đề nghị xây dựng chính sách, soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, việc đánh giá tác động của chính sách, tác động thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nhìn chung đảm bảo thực hiện theo quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2020, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2020/NĐ-CP của Chính phủ, quy trình và nội dung ban hành văn bản đảm bảo đúng quy định, có chất lượng, nội dung quy định phù hợp thực tiễn, có tính khả thi.

Trong 06 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 02/02 đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh được đánh giá tác động chính sách gồm: (1) Đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định chính sách cùng chi trả của cán bộ diện chăm sóc sức khỏe theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và (2) đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định chế độ, chính sách cho cốt cán an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

Từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/5/2023, cấp tỉnh đã ban hành 10 văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, có 04 Nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành và 06 Quyết định do UBND tỉnh ban hành. Các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND tỉnh ban hành trong 06 tháng đầu năm 2023 không chứa thủ tục hành chính.

Việc đánh giá tác động của chính sách đã được các cơ quan tham mưu nghiên cứu thực hiện cơ bản đầy đủ theo các quy định pháp luật. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá tác động của chính sách vẫn chưa thực sự đánh giá toàn diện các vấn đề liên quan nội dung cần đánh giáHạn chế trên xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định tác động của chính sách được đánh giá theo năm (05) vấn đề gồm: kinh tế, xã hội, giới, thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật. Việc đánh giá tác động của chính sách theo 05 nhóm vấn đề trên là nội dung quan trọng nhất của báo cáo đánh giá tác động của chính sách. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về các tiêu chí chi tiết để đánh giá đối với các nội dung đánh giá về kinh tế, xã hội, giới, hệ thống pháp luật (trừ việc đánh giá thủ tục hành chính đã được quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính và được hướng dẫn tại Thông tư số 03/2022/TT-BTP ngày 10/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật). Bên cạnh đó, còn có sự trùng lặp về nội hàm của các nội dung cần đánh giá như giữa đánh giá về thủ tục hành chính với đánh giá về nội dung kinh tế; đánh giá nội dung về giới với đánh giá về xã hội, kinh tế. Do đó, các cơ quan, đơn vị còn lúng túng trong việc đánh giá tác động của chính sách đối với các nội dung đánh giá về kinh tế, xã hội, giới, hệ thống pháp luật.

Thứ hai, địa phương còn gặp những khó khăn về nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ. Để triển khai xây dựng các văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh đảm bảo tiến độ, chất lượng theo chủ trương, chính sách của các cơ quan nhà nước cấp trên, các cơ quan chuyên môn đã có sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư cho công tác này. Tuy nhiên, hiện nay, ngoại trừ Sở Thông tin và Truyền thông bố trí công chức pháp chế chuyên trách thì các sở, ban, ngành tỉnh còn lại không bố trí được Phòng Pháp chế hoặc không bố trí được công chức pháp chế chuyển trách. Công tác tham mưu đề nghị xây dựng nghị quyết, xây dựng các dự thảo văn bản QPPL do công chức, viên chức các phòng chuyên môn, nghiệp vụ tham mưu thực hiện. Đội ngũ này phần lớn chưa thành thạo kỹ năng tham mưu hồ sơ đề nghị, soạn thảo dự thảo văn bản QPPL. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, tiến độ tham mưu chính sách, trong đó bao gồm cả việc đánh giá tác động của chính sách, đánh giá tác động thủ tục hành chính.

Tại Báo cáo số 110/BC-STP ngày 02/6/2023 về tình hình thực hiện việc đánh giá tác động chính sách, thủ tục hành chính trong đề nghị, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật 6 tháng đầu năm 2023, Sở Tư pháp đã đề xuất Bộ Tư pháp sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về các tiêu chí chi tiết để đánh giá đối với các nội dung đánh giá về kinh tế, xã hội, giới, hệ thống pháp luật để có cơ sở cụ thể thực hiện đánh giá tác động của chính sách thực chất, toàn diện, tránh trùng lặp.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế để địa phương có căn cứ tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế hiện nay./.

Nguyện Đắc

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập