Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan Nhà nước
(binhthuan.gov.vn) Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai Chính phủ điện tử, là nội dung quan trọng trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan Nhà nước với tổ chức, công dân.
Thời gian qua, các ngành, các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị; tập trung xây dựng chính quyền điện tử từ tỉnh đến cơ sở dần chuyển sang chính quyền số. Đến nay, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bình Thuận đã hoàn thành kết nối với kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia; gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa, cung cấp ứng dụng mobile phục vụ cho người dân và doanh nghiệp và module rút trích dữ liệu khi số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Tỉnh đã đầu tư và triển khai sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, đến nay, 10/10 đơn vị cấp huyện và 124/124 đơn vị cấp xã với tổng số dịch vụ công trực tuyến là 1.029 dịch vụ công (gồm 754 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 275 dịch vụ công trực tuyến một phần); tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 754/1.029 dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình, đạt 73,3%. Đã triển khai và phát sinh 779.801 hồ sơ của 23/25 dịch vụ công thuộc Đề án 06; triển khai và phát sinh 136.780 hồ sơ của 09/28 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Triển khai công tác số hóa hồ sơ, đối với số hóa dữ liệu hộ tịch, Công an tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp trong việc rà soát làm sạch dữ liệu hộ tịch, để hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu hộ tịch của tỉnh đảm bảo theo đúng lộ trình phê duyệt. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện xong việc số hóa 1.311.349 dữ liệu hộ tịch, là 01 trong 04 tỉnh đi đầu đã hoàn thành 100% việc số hóa dữ liệu hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp. Sở Nội vụ cũng đã hoàn thành đồng bộ 33.550 (đạt 100%) hồ sơ, dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức từ phần mềm cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Nội vụ, vượt tiến độ thời hạn được giao.
Riêng về cơ sở dữ liệu đất đai, đã cập nhật cơ sở dữ liệu địa chính của 75/91 xã đã được đo đạc bản đồ địa chính (tăng 04 xã so với năm 2023). Hiện nay ngành chức năng đang tiếp tục đôn đốc các đơn vị thi công hoàn thành các hạng mục còn lại; giải quyết các vướng mắc để kết thúc các công trình này trong năm 2024. Đối với các xã chưa được đo đạc địa chính, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để triển khai thi công.
TT Dân