Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 06 tháng đầu năm về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 Chính phủ
(binhthuan.gov.vn) Chiều ngày 10/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số đã chủ trì Phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ để sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2024, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và trong thời gian tới. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Trụ sở Chính phủ với đầu cầu các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận có đồng chí Nguyễn Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, 6 tháng đầu năm các bộ, ngành đã nỗ lực, tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản, chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính) cả nước đạt 42% (cuối năm 2023 là 17%); bộ, ngành đạt 61% (cuối năm 2023 là 38%); địa phương đạt 17% (cuối năm 2023 là 9%). 63/63 địa phương (tăng 14 địa phương so với cuối năm 2023) đều đã ban hành chính sách giảm, miễn phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Kinh tế số 6 tháng đầu năm ước đạt tăng trưởng 22,4% và tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%.
Triển khai Đề án 06, nhận thức, hành động của các cấp, ngành và Nhân dân đã có sự thay đổi rõ rệt. Các cấp, ngành và địa phương đã nhìn nhận rõ hơn về thực trạng hạ tầng, nhân lực, dữ liệu, an ninh an toàn và yêu cầu hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực hiện Đề án 06.
Nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử đã được cung cấp, người dân và xã hội được thụ hưởng ngày càng tốt hơn. Cụ thể, có 43/76 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân đã được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó, có 36 dịch vụ công được thực hiện toàn trình (người dân có thể thực hiện bất cứ thời điểm nào, nơi nào, không phải tiếp xúc trực tiếp với cơ quan Nhà nước, cắt giảm giấy giấy tờ, chi phí đi lại). Người dân đã được miễn giảm phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến và được cung cấp đầy đủ các giấy tờ bảo đảm các hoạt động, công việc hàng ngày cả trên môi trường mạng. 100% công dân đã được cấp mã số định danh cá nhân; 86,3 triệu công dân đã được cấp thẻ căn cước gắn chíp điện tử; hơn 75,7 triệu tài khoản định danh điện tử đã được cấp và trên 55,25 triệu tài khoản đã được kích hoạt. Thông qua việc kết nối, chia sẻ, tích hợp các loại giấy tờ, người dân được hưởng nhiều tiện lợi...
Đặc biệt, lần đầu tiên sau hơn 20 năm, việc giám sát, đo lường dịch vụ công trực tuyến được thực hiện tự động, online; hệ thống giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện đánh giá chất lượng online. Việt Nam có thêm 1 trung tâm dữ liệu hiện đại, lớn nhất cả nước của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) với công suất 30 MW…
Hội nghị đã thảo luận, phân tích, đánh giá khách quan các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, “điểm nghẽn”, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách; chỉ rõ những nội dung còn chậm tiến độ, xác định nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm. Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện và xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mang tính đột phá thời gian tới.
Tại tỉnh Bình Thuận, xác định dữ liệu có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính. Trong 6 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành tập trung xây dựng, phát triển các cơ sở dữ liệu trọng tâm, như: Triển khai thử nghiệm Nền tảng xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu dùng chung và Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh; hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; số hóa dữ liệu bản đồ Nông hóa - Thổ nhưỡng phục vụ sản xuất nông nghiệp; phát triển Kho dữ liệu điện tử trực tuyến của người dân, tổ chức; số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực… Bên cạnh đó, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh tiếp tục được phát triển, mở rộng các kết nối với các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành Trung ương qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, cải thiện xếp hạng các chỉ số PAR, PAPI, SIPAS của tỉnh. Đặc biệt, Bình Thuận vẫn đang tiếp tục xây dựng, phát triển và đưa vào sử dụng các nền tảng số phục vụ người dân và doanh nghiệp bước đầu mang lại hiệu quả…
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyển đổi số ở nước ta hiện nay đã đến “từng ngõ, từng nhà, từng người”. Để hoàn thành nhiệm vụ trong những tháng cuối năm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương ưu tiên nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số đã đề ra. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm chuyển đổi số; tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu...
Riêng việc thực hiện Đề án 06, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đề ra lộ trình khẩn trương hoàn thành việc kết nối Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp Bộ, cấp tỉnh với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Các địa phương khẩn trương điều chỉnh Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính kết nối với Hệ thống phần mềm dịch vụ công liên thông, xong trước tháng 7/2024.
Phạm Huệ