bannerHome
Kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh: Tọa đàm “Bình Thuận: Tiềm năng, thành tựu và triển vọng phát triển”
Lượt xem: 589


(binhthuan.gov.vn) Sáng 26/8, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Bình Thuận: Tiềm năng, thành tựu và triển vọng phát triển” nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang, những thành tựu qua 30 năm tái lập tỉnh. Các đồng chí: Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hoài Anh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì. Tham dự có các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, nguyên Tỉnh ủy viên qua các thời kỳ; đồng chí Phan Văn Đăng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố.

Báo cáo tại buổi tọa đàm, đồng chí Phan Văn Đăng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Từ khi được tái lập vào năm 1992, trước bao bộn bề khó khăn, thiếu thốn, xong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận đã bắt tay vào xây dựng quê hương, quyết tâm đưa Bình Thuận thoát nghèo và từng bước vươn lên. Qua 30 năm, Bình Thuận đã từng bước rút ngắn sự chênh lệch về trình độ phát triển với các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ; tiềm lực kinh tế và kết cấu hạ tầng được củng cố, kinh tế - xã hội phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Những bước phát triển trong thời gian qua, nổi bật là các nhân tố mới như du lịch, khai thác dầu khí ngoài khơi, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao... đã và đang từng bước đưa tỉnh trở thành một cực phát triển mới của khu vực duyên hải Nam Trung bộ.

Nổi rõ là: Tăng trưởng kinh tế luôn cao hơn so với mức bình quân của cả nước. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) bình quân hàng năm tăng 9,07%, giá trị GRDP năm 2022 gấp 24 lần năm 1992, tạo chuyển biến rõ nét trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng lực sản xuất và quy mô nền kinh tế. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng các ngành nông, lâm, thủy sản. Tiềm năng về năng lượng được tập trung phát huy, là động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 48 nhà máy điện được đưa vào vận hành với tổng công suất 6.520 MW.

Đại biểu tham dự buổi tọa đàm

Đặc biệt, là ngành Du lịch phát triển nhanh, du lịch Bình Thuận nói chung và Khu du lịch Quốc gia Mũi Né ngày càng nâng cao về chất lượng, giữ vững thương hiệu và uy tín; từng bước trở thành địa bàn trọng điểm về du lịch của cả nước và là Trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia. Tỉnh đã thu hút nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch dọc khu vực ven biển, trong đó có một số dự án có quy mô đầu tư lớn, tổ hợp du lịch - dịch vụ. Đến nay, toàn tỉnh có 382 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 70 nghìn tỷ đồng, trong đó có 188 dự án đã đi vào hoạt động kinh doanh.

Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, nhất là các công trình thủy lợi, giao thông quan trọng. Bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc, mạng lưới trường, lớp học phủ rộng, mạng lưới y tế cơ sở đến tận xã, phường, thị trấn. Công tác xây dựng Đảng và vận động quần chúng được coi trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại những kỷ niệm trong quá trình công tác, nhất là thảo luận làm nổi bật những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 30 năm qua, phân tích làm rõ những tiềm năng, lợi thế triển vọng phát triển, từ đó đưa ra những bài học kinh nghiệm, những giải pháp khả thi, mang tính đột phá để phát huy các lợi thế, đặc thù, tận dụng các cơ hội để thúc đẩy kinh tế Bình Thuận phát triển trong thời gian tới. Một số ý kiến cho rằng, tỉnh cần đánh giá và có chiến lược phát triển các sản phẩm lợi thế như: Thanh long, nước mắm…; tỉnh cần có một chiến lược đầu tư và phát triển huyện đảo Phú Quý tương xứng với tiềm năng, lợi thế...

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Huỳnh Văn Tí

Đồng chí Huỳnh Văn Tí - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ sự vui mừng trước những thành tựu mà Bình Thuận đã đạt được qua 30 năm. Trong đó phải kể đến thành tựu nổi bật về phát triển hệ thống thủy lợi, tỉnh đã giải quyết được bài toán “khát nước” kéo dài rất nhiều năm. Nếu không có thủy lợi, không có nước thì Bình Thuận không được như ngày hôm nay. Tỉnh đã biến những bất lợi về nắng, gió thành tiềm năng để phát triển, từng bước đi lên. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư ngày càng hoàn thiện, hiện đại, bộ mặt từ thành thị đến nông thôn, nhất là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến, khởi sắc.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Huỳnh Văn Tí cũng cho rằng tỉnh nên tiếp tục kiến nghị Trung ương sớm tháo gỡ, điều chỉnh quy hoạch dự trữ khoáng sản, nhất là titan ở một số khu vực nhằm sớm giải quyết vướng mắc chồng lấn giữa các dự án năng lượng tái tạo, dự án du lịch với các khu vực quy hoạch titan.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Mạnh Hùng

Còn theo Nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Mạnh Hùng, một trong những yếu tố quan trọng góp phần phát triển tỉnh đó là vấn đề con người, chất lượng nguồn nhân lực. Trong thời gian tới, ngoài việc rèn luyện về bản lĩnh chính trị, phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ để ngang tầm với nhiệm vụ, tỉnh cần có yêu cầu thêm về đổi mới tư duy trong quá trình lãnh đạo, quản lý. Làm sao để mỗi cán bộ trong quá trình lãnh đạo, quản lý có tầm nhìn chiến lược, tư duy toàn cầu và đặc biệt là thích ứng nhanh với sự biến đổi của tình hình hiện nay.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bí thư Tỉnh ủy - Dương Văn An khẳng định: Những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận sau 30 năm tái lập tỉnh rất to lớn, toàn diện và đáng tự hào; là sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên. Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh việc nhận định đúng tình hình, đề ra các mục tiêu với khát vọng lớn và tập trung lãnh đạo quyết liệt của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ là nhân tố quyết định để khơi thông nguồn lực cho phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định đưa Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững, trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, năng lượng, du lịch. Ngành công nghiệp, trong đó trọng tâm công nghiệp năng lượng; du lịch và nông nghiệp được xác định là trụ cột của nền kinh tế. Tỉnh đang có nhiều thuận lợi khi hạ tầng giao thông từng bước được đầu tư hoàn thành; nhiều doanh nghiệp đến đầu tư tại Bình Thuận với những dự án quy mô lớn,... đã tạo động lực mới cho sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt của tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy tin tưởng rằng trong thời gian tới, chính quyền và nhân dân Bình Thuận sẽ đoàn kết, thống nhất cao để quyết tâm xây dựng tỉnh Bình Thuận ngày càng phát triển.

TT Dân 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập