bannerHome
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến dự thảo Nghị quyết đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội
Lượt xem: 739

(binhthuan.gov.vn) Sáng 22/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức họp để cho ý kiến dự thảo Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 23/8/2016 của Tỉnh ủy (khóa XIII) về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2020 và dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy (khóa XIV) về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2025. Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 2 điểm cầu của tỉnh, điểm cầu tại Thị ủy La Gi và Huyện ủy Tánh Linh. Đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì. Cùng dự tại điểm cầu của tỉnh có các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo một số sở ngành liên quan.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 23/8/2016 của Tỉnh ủy (khóa XIII) về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 131.359 tỷ đồng, tăng 15.359 tỷ đồng so với mục tiêu tại Nghị quyết số 04-NQ/TU. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu của tỉnh được đầu tư tăng khá, từng bước đồng bộ, nhiều dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả tốt, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, nhìn chung hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh còn hạn chế, thiếu đồng bộ, thiếu tính kết nối, nhất là hạ tầng giao thông đối ngoại đang là “điểm nghẽn”, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy (khóa XIV) về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2025 nhằm huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 250.000 tỷ đồng. Chi đầu tư phát triển từ ngân sách tập trung bình quân hàng năm chiếm khoảng 35% tổng chi ngân sách địa phương. Đến năm 2025, cơ bản hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh tương đối đồng bộ, đảm bảo tính kết nối với các vùng trong cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Dự thảo đề ra 6 nhóm giải pháp chủ yếu, trong đó về công tác quy hoạch sẽ tập trung xây dựng, quản lý, thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tăng cường hoạch định các định hướng và chính sách phát triển của vùng và từng địa phương trong tỉnh. Quản lý tốt quy hoạch, nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các huyện, thị xã, thành phố giai đoạn 2021 - 2030, đảm bảo kịp thời, đồng bộ và ổn định, mang tính chiến lược lâu dài, đáp ứng được yêu cầu của việc sử dụng đất và giải quyết vấn đề chồng chéo quy hoạch. Bên cạnh đó, sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; đẩy mạnh huy động tối đa các nguồn vốn khu vực kinh tế tư nhân và nguồn vốn khác; tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư.

Đóng góp ý kiến tại cuộc họp, có ý kiến cho rằng việc công khai quản lý quy hoạch thời gian qua có nơi chưa tốt, do đó giải pháp sắp tới cần chú ý công tác công khai quy hoạch và quản lý thật tốt quy hoạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án; cần nâng cao ý thức trách nhiệm tinh thần thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ công chức trong thực thi công vụ; đồng thời chú ý vấn đề quy hoạch phát triển kinh tế biển, vì đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh thời gian tới; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung giải pháp tháo gỡ khó khăn về đất đai như tháo gỡ việc chồng lấn quy hoạch titan, công tác quản lý đất đai, công tác giải phóng mặt bằng... Về hạ tầng giao thông cần huy động nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ tuyến vận tải từ Phan Thiết đi đảo Phú Quý; quan tâm nước sinh hoạt huyện đảo Phú Quý trong điều kiện phát triển thời gian tới; cần ưu tiên cung cấp nước sạch cho các đô thị ven biển nhằm thu hút đầu tư tốt hơn… Cũng tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh đã phát biểu làm rõ thêm một số thông tin có liên quan về lĩnh vực của mình.

Phát biểu kết luận, đối với dự thảo Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 23/8/2016 của Tỉnh ủy (khóa XIII) về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2020, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Tổ biên tập rà soát kỹ lại số liệu cho chính xác, để người đọc có thể hiểu rõ nội dung vấn đề; tại phần hạn chế khuyết điểm nguyên nhân cần bổ sung thêm việc khai thác sử dụng một số công trình thu hút đầu tư, vốn nhà nước chưa thật sự hiệu quả. Về dự thảo Nghị quyết, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nêu rõ, tỉnh ra đang trong quá trình phát triển nên nhu cầu đầu tư các công tình hạ tầng các lĩnh vực phát sinh rất lớn, để có thể đồng bộ và đảm bảo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Qua quá trình rà soát các căn cứ để xây dựng Nghị quyết, đồng thời hiện nay tỉnh ta đang xây dựng dự thảo quy hoạch phát triển tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trên cơ sở đó, đề ra lộ trình đường đi để đầu tư và để thực hiện được các công trình dự án thì ngoài ngân sách nhà nước, tỉnh sẽ có giải pháp phù hợp để thu hút các nguồn khác ngoài ngân sách để đầu tư. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thống nhất với bố cục dự thảo Nghị quyết, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu huy động nguồn lực là cốt lõi để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội; đồng chí ghi nhận những ý kiến, đề xuất xác đáng của đại biểu dự họp, giao Tổ biên tập rà soát, tiếp thu bổ sung hoàn chỉnh dự thảo.

TT Dân

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập